Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Chăm sóc tép cảnh đúng cách

Nhiều màu sắc, nhanh nhẹn sinh động tép cảnh đang được người chơi săn đón với nhiều thú chơi khác nhau.

Trào lưu chơi tép cảnh hiện đang “thịnh”. Đặc biệt là những loại tép ngoại với những cái tên rất “oách” như: Reb cherry Shrimp, Caridina sp Tiger (tép cọp), Crytal Red Shrimp (tép ong đỏ), tép Sulawesi…

1. Thú chơi ngốn tiền “đô”

Những chú tép “chơi được” thường có giá từ vài chục USD đến hơn 100 USD. Đặc biệt, loại tép ong đỏ chỉ bằng đầu tăm nhưng có giá đến 1.000 USD/con. Theo anh Lê Đức Huy (quận Phú Nhuận) người chơi tép lâu năm thì loại tép này xuất xứ từ Nhật Bản, có màu trắng, trên đỉnh đầu có chấm màu đỏ, giống biểu tượng của lá cờ Nhật nên tại nước này, loại tép ong đỏ rất quý hiếm và được ưa chuộng. Đây cũng là loại tép khó nuôi vì đòi hỏi môi trường nước tinh khiết, giống của nó đột biến nên khả năng thích ứng với môi trường kém, sinh sản khó nên giá thành rất cao.


2. Thể tích bể nuôi tép cảnh

Thể tích cần của bể nuôi tép chỉ đóng vai trò thứ yếu. Ngay cả với bể 12L người ta có thể nuôi được tốt một bầy tép nhỏ.


Ở những bể lớn hơn sẽ giảm thiểu hậu quả những sai phạm hay xảy ra: cho ăn quá nhiều, thay nước không đều đặn, vì thế thể tích nhỏ nhất được khuyên cho bể nuôi tép từ 54L trở lên, cũng là kích thước phổ biến dễ tìm mua của bể làm sẵn trên thị trường. Không có giới hạn tối đa cho một bể nuôi tép.

3. Nền bể nuôi tép cảnh

Dù bằng cát hay sỏi, đen hay trắng, mỗi người có thể thiết kế theo ý mình. Tép cảnh không “quan tâm” đến nhiều lắm. Tuy nhiên cần chú ý không dùng nền đá sỏi quá lớn, thức ăn thừa có thể lọt xuống bên dưới, hư thối làm ô nhiễm nước.


Thêm một điểm nhỏ: trước khi chọn nền cho bể, cần biết sẽ nuôi loại tép cảnh nào để chọn màu. Tép cảnh đỏ trên nền sáng thường không nổi bằng nền có màu sẫm hơn.

4. Lũa trong bể nuôi tép cảnh

Nếu có thể, bố trí vài khúc gỗ lũa cho bể. Không phải là bắt buộc nhưng tép cảnh rất thích trèo lên lũa tìm tòi thức ăn bám lên. Cũng cần chú ý không dùng gỗ lũa chất lượng xấu, còn thải ra nhiều tạp chất, sẽ ảnh hưởng đến tép cảnh

5. Cây thủy sinh

Bạn có thể chọn theo ý thích. Đặc biệt nên bố trí những góc trồng Moos bám trên lũa (Javamoos, Vesicularia dubyana, Pellia, Monosolenium tenerum), đây là những nơi rút vào cho tép cảnh khi thay vỏ và là nơi sống, tìm thức ăn an toàn cho tép cảnh con.


Nếu trong bể quá ít cây, đôi khi tép cảnh không tìm được nơi trú ẩn cho quá trình thay vỏ. Trong trường hợp xấu, chúng sẽ bị chính đồng loại tấn công do vỏ còn mềm, tép cảnh còn yếu. Đó cũng là lý do khi tép cảnh rút lui lên tầng trên của bể, bám bất động ở điểm nào đó vì không tìm được nơi trú ẩn trong quá trình thay vỏ.

Khi mua, chọn tép cảnh, không để bị choáng trước những cái tên mỹ miều hấp dẫn của người bán đặt cho. Cũng vì lý do tép là lĩnh vực chưa được tìm hiểu, nghiên cứu cặn kẽ nên những nơi nhập, buôn bán tép lớn hay dễ dãi với tên gọi. Đã có nơi bán loại Crystal Cherry? Xui xẻo cho người mua chưa có thông tin cơ bản ví dụ mua lầm Red Fire(Cherry) dưới tên Red Crystal với giá đắt hơn thực sự.


6. Chọn mua tép cảnh

Người mua cần chú ý đến biểu hiện khỏe mạnh của tép, cơ động bơi tới lui trong bể và chân trước nhặt tìm thức ăn không ngừng.

Bộ giáp cần màu sắc đều đặn, không có điểm lạ như chấm nâu đỏ hoặc mầu lạ không đặc trưng của loại tép đó, thủng lỗ hoặc nổi bọc, mụn.

Tép khỏe mạnh di chuyển, trốn nhanh như chớp, người vớt phải cần nhiều khéo léo và cử động mới mong tóm được chúng. Những di chuyển của chúng sẽ giúp bể cá cảnh đẹp của bạn thêm sinh động, hấp dẫn hơn, không nên chọn tép có dáng di chuyển chậm chập, lờ dờ hoặc đứng yên bất động.

Hầu hết tép là loại sống theo bầy. Nếu ai chỉ cho chúng có một, hai “bạn chơi”, có lẽ chẳng có mấy cơ hội nhìn thấy chúng rời khỏi nơi ẩn nấp. Đặc biệt ở những bể thả nhiều cá kích thước tương đối lớn. Điều này thay đổi tức khắc khi chúng hợp được thành bầy, ít nhất từ mười con trở lên. Hầu như sự nhút nhát ở chúng biến mất hoàn toàn.

7. Dinh dưỡng thức ăn cho tép cảnh

Ngay cả khi tép có tiếng là ăn rêu, chúng không là loài chỉ ăn thực vật. Từ ăn tạp có lẽ thích hợp hơn và như vậy, không cần loại bỏ thức ăn gốc động vật khỏi thực đơn cho chúng. Nhưng phải tránh nguồn Protein động vật với số lượng lớn. Kết quả những nghiên cứu cho thấy, quá trình lột vỏ tăng cao và chúng chết rất nhanh.

Trong bể nuôi chung với nhiều cá thực ra không cần cho chúng ăn, thức ăn thừa của cá rơi xuống luôn đủ cho chúng. Thực đơn của tép có thể là viên khô, thức ăn công nghiệp, đồ sống hoặc đông lạnh, Spinat, dưa leo, đậu Hà Lan… luôn được chúng đón chào nồng nhiệt. Người viết đã thu được kết quả tốt khi sử dụng viên thức ăn chứa lượng Spirulina cao.

Lượng thức ăn cần được tiêu thụ hết trong một giờ. Phần còn thừa hút, đưa ra ngoài, vì làm ô nhiễm nước nếu để lâu.

Ngoài bữa chính, tép còn nhặt nhạnh rêu, vi sinh vật quanh bể nên trong những bể đã ổn định nếu không cho chúng ăn vài ngày cũng không có chú nào chết đói cả.

Trong vài trường hợp có thể tép nảy ra ý định ngông cuồng gặm cả Moos mềm như Riccia,Pellia, nhưng chỉ xẩy ra ở những bể lớn nhân giống tép với số lượng lớn. Bình thường chúng ta không cần lo lắng đến cây trồng, chúng chỉ gặm đi những phần đã hư hỏng trên cây.

Để thực đơn cho tép thêm phần phong phú, chúng ta có thể trong khi đi dạo nhặt ít lá khô, rửa sạch nhúng qua nước sôi rồi cho vào bể. Các bạn sẽ thấy tép đổ xô đến tìm tòi thức ăn trên lá, và qua thời gian lá sẽ được gặm bớt đến khi chỉ còn lại cuống. Lá khô có tác dụng tốt làm ổn định quá trình lột vỏ của tép, nhả acidhumin giảm pH, chống nấm, mầm bệnh trong bể và là sân chơi ưa thích của tép.

Những chú tép cảnh đáng yêu này hiện đang dạo chơi tại bể nuôi của showroom Aquagreen Mỹ Đình, hãy cùng đến chiêm ngưỡng và cảm nhận.

Aquagreen tổng hợp

Không có nhận xét nào: