Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Tránh điện giật khi chơi cá cảnh: Hiểm họa từ bơm chìm

Một số thiết bị điện nhỏ gọn được dùng khá phổ biến cho bể cá cảnh là cây sưởi, máy hút cặn và sục khí. Nguy cơ rò điện từ các thiết bị này không nhỏ, không những làm cá chết, mà đã có trường hợp người bị điện giật khi thay nước cho bể cá. 

Hiểm họa từ bơm chìm

Anh Nguyễn Thanh Hải (Hoàng Cầu, Hà Nội) sử dụng bể cá cảnh có máy bơm gắn kèm do Trung Quốc sản xuất. Máy bơm có tác dụng hút nước phía dưới bể cho chảy qua màng lọc để loại bỏ chất bẩn đồng thời tạo sục khí cho cá thở. Lớp bảo vệ cũng là phần trang trí được làm bằng nhôm và nhựa.

  
Anh Hải chia sẻ, anh nuôi cá rồng và cá đĩa với giá trị hơn 1 triệu đồng/con, ban đầu cá sống khoẻ mạnh nhưng sau vài tháng cứ chết dần. Một phần vì tiếc của, một phần vì nghĩ không chăm được nên anh không nuôi cá đắt tiền nữa, mà chuyển sang nuôi cá vàng, nhưng rồi cá gì cho vào bể nuôi cũng chết.

Một lần, trong lúc vớt cá chết, anh Hải quên không rút máy bơm. Khi vừa chạm vào mặt nước, anh bị điện giật nẩy người. Lúc này anh mới hay, chiếc bể cá bị rò điện làm cá chết.

Ông Phan Hoàng Tú, một chuyên gia trên diễn đàn Thế giới cá cảnh cho biết, người nuôi cá cảnh trong bể kính thường dùng đến máy hút cặn và sục khí để làm sạch cặn và cung cấp khí oxy cho cá. Máy có cấu tạo đơn giản như một cái bơm chìm.
  
Khi dòng điện được truyền vào, máy hút các cặn lắng do cá bài tiết dưới đáy bể rồi đẩy lên cao, nơi có đặt hộp bông xốp lọc cặn bã. Tại đây, nước được lọc sạch sau đó sẽ chảy xuống trở lại bể theo vòng tuần hoàn liên tục.
  
Hiện nay trên thị trường phụ kiện cá cảnh có hai loại máy hút cặn: Loại chỉ có chức năng hút đẩy nước, loại có tích hợp thêm bộ phận sục khí tiện lợi. Các loại máy này chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Dù nhà sản xuất đã chống rò điện và đổ nhựa chống ngấm nước ở bên trong kỹ lưỡng, nhưng sau một thời gian dài sử dụng, máy vẫn có hiện tượng rò điện ra bên ngoài, gây nguy hiểm cả cho cá và người tiếp xúc với bể.

Sử dụng bơm treo an toàn
 

Theo TS Phùng Anh Tuấn, khoa Thiết bị điện - Điện tử, Viện Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội: Có thể có một vài nguyên nhân gây rò điện ở bể cá cảnh nhưng chủ yếu là từ van bơm của máy bơm. Van bơm có cấu tạo hút nước và thả nước để lọc nước bể cá, trong đó có gioăng cách điện giữa máy bơm và nước.
Do sử dụng lâu ngày, gioăng này bị lưu hóa nên bục, rách ra. Khi bị rò điện sẽ gây nguy hiểm cho người tiếp xúc, nhất là người có cơ thể yếu hoặc tùy vào từng điều kiện mà điện áp có thể dần dần tăng lên. Để khắc phục nguy cơ này, người sử dụng nên tháo bộ phận bơm lọc nước ra và thay gioăng cao su mới. Đồng thời có thể kiểm tra lại đường dây và các bộ phận máy có bị rò điện kèm theo hay không. 

Ông Phan Hoàng Tú cũng khuyến cáo, người sử dụng cần hết sức thận trọng với máy hút cặn thả trong bể cá. Nếu thấy có hiện tượng cá chết, nước không chảy, bọt khí không sủi thì phải nghĩ ngay đến trường hợp trong nước có điện và phải dùng bút thử điện kiểm tra trước khi chạm tay vào nước.
Tốt nhất là tuyệt đối không chạm xuống nước, không thau nước hoặc lau chùi bể cá khi máy hút cặn đang hoạt động, mà phải ngắt nguồn điện trước rồi mới được thao tác.
Giải pháp an toàn hơn cho cả người và cá là chọn dùng loại máy hút cặn và sục khí đặt ngoài bể. Cấu tạo của máy này theo nguyên lý của bơm treo, nghĩa là không cho máy chìm trong nước, mà nước được hút qua vòi thả từ trên xuống. Như vậy sẽ không xảy ra hiện tượng rò điện trong nước, tránh được nguy cơ điện giật chết cá và ảnh hưởng đến con người.

Aquagreen

Không có nhận xét nào: