Cá thù lù – morrish idol (Zanclus cornutus) là một trong số những
loài cá rạn san hô dễ nhận biết nhất nhờ bề ngoài khác biệt và tầm phân
bố rộng của nó. Nó phân bố từ biển Đỏ, qua Ấn Độ Dương và Thái Bình
Dương cho đến tận bờ tây nước Mỹ cũng như xa hơn về phía nam đến Peru.
Nó có lẽ cũng thâm nhập vào cả Địa Trung Hải thông qua biển Đỏ
Đây là loài duy nhất thuộc họ Zanclidae, mặc dù đã có thời người ta cho rằng họ này bao gồm hai loài:
Zanclus cornutus và Zanclus canescens. Sự khác biệt giữa chúng hóa ra chỉ là độ tuổi và kích thước. Zanclus cornutus có bề ngoài gần giống với cá đuôi gai chi Zebrasoma. Nó cũng có thân dẹp và mõm dài như Zebrasoma nhưng khác biệt chủ yếu ở hàm răng lởm chởm như rễ tre, thiếu vây hình lưỡi dao ở phía trước đuôi và vây lưng cực dài.
Chiều dài tối đa từ đầu đến đuôi của cá thù lù không quá 22 cm nhưng
thân bản rộng và vây lưng cực dài khiến nó trông dường như to hơn. Màu
sắc và vây lưng của nó phá vỡ hình dáng bề ngoài và khiến cho các loài
săn mồi rất khó phân biệt đầu với đuôi. Hơn nữa, cặp mắt lẫn trong vùng
sọc đen ở vị trí cao của đầu.
Lịch sử tự nhiên
Cá thù lù bắt cặp và sinh sản trên tầng mặt. Giai đoạn ấu trùng của
chúng cực dài, điều dẫn đến hai hậu quả quan trọng. Cá non phát triển
đến kích thước lớn một cách đáng ngạc nhiên từ 6 đến 7.5 cm, và chúng có
xu hướng trôi dạt đi rất xa trong giai đoạn ấu trùng, điều lý giải cho
phân bố cực rộng của loài này.
Có một chút lịch sử đàng sau tên gọi theo truyền thuyết của người Moor ở
châu Phi rằng ai nhìn thấy loài này sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Bất cứ ai từng nuôi cá thù lù chắc chắn đều cảm nhận điều này mỗi khi
“biểu tượng” bơi lượn một cách nổi bật trong hồ cảnh.
Dẫu vậy, cá thù lù nổi tiếng là cực kỳ khó nuôi trong hồ cảnh. Thực tế,
đã có tranh cãi giữa những người chơi cá, bởi vì rất nhiều người cảm
thấy không nên đánh bắt nó, trong khi những người khác lại nhấn mạnh
rằng loài này “giỏi chịu đựng”. Làm sao lại tồn tại những ý kiến trái
ngược như vậy về loài cá này? Rất đơn giản, cá thù lù là loài mạnh khỏe
dẫu hình dáng mảnh khảnh nhưng lại nhạy cảm với một số bệnh khiến nó bị
chết một cách nhanh chóng và còn có những vấn đề nuôi dưỡng quan trọng
nữa mà chúng ta phải cân nhắc nếu muốn nuôi loài này một cách thành công
trong hồ cảnh.
Chuẩn bị thật cẩn thận
Tôi đồng ý nuôi loài này với một điều kiện rằng nó chỉ dành cho những
chuyên gia chứ không phải cho người mới bắt đầu chơi hay người nuôi cá
bình thường, mặc dù như đã nói, điều này không có nghĩa rằng tôi cho nó
là loài khó nuôi. Nguyên nhân nằm ở chỗ không nên nuôi cá thù lù trong
hồ có dung tích dưới 220 lít. Nói chung, cá thù lù cần không gian thật
rộng. Tầm lãnh thổ của chúng ngoài tự nhiên lên đến cả dặm. Nó thích di
chuyển, và bơi nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Tôi đề nghị chiều dài hồ
tối thiểu là hai mét.
Một hồ dung tích 400 lít thực sự ở ngưỡng quá nhỏ để nuôi loài này một
cách lâu dài. Tôi từng thấy vài cá thể được nuôi trong hồ 120 lít một
cách thành công trong thời gian khá dài (vài năm) nhưng tôi nghĩ chúng
là những cá thể ngoại lệ được chăm sóc bởi người nuôi cá cực kỳ xuất
sắc.
Kích thước hồ nuôi lý tưởng đối với cá thù lù là ao hay hồ to như ao.
Các thủy cung công cộng nuôi chúng một cách thành công trong các hồ
trưng bày lớn, đặc biệt là nơi có ánh nắng và tảo phát triển mạnh nhờ
vậy mà cá thù lù có thể rỉa chúng. Những hồ này không cần phải thật sâu.
Tôi từng thấy cá thù lù được nuôi trong ao cạn với mực nước chỉ từ 30
đến 38 cm. Mỗi khi quẫy, chúng nhô cả vây lưng ra khỏi mặt nước!
Khuynh hướng sát thủ
Mọi người có thể cho rằng một con cá xinh đẹp với vây lưng kéo dài như
vậy nhất định phải nhút nhát và ngoan ngoãn. Trái ngược với vẻ bề ngoài,
“hành vi” của nó rất thất thường. Thù lù là một trong số những loài cá
rạn san hô hung dữ nhất trong hồ cảnh. Chúng sẽ hiếp đáp cá cùng hồ cho
đến chết. Cá thù lù cực kỳ khó chịu đối với đồng loại và với những loài
có hình dạng tương tự (thân dẹp).
Khi tôi đề cập về sự hung dữ của cá thù lù, điều có lẽ khiến bạn tự hỏi
về những lời khuyên chính thức thường thấy mà chúng khuyên bạn nên nuôi
theo bầy. Điều này không phù hợp với hầu hết hồ cảnh tại gia. Nếu bạn
mua một bầy cá thù lù với kích thước tương tự, chúng sẽ rất hòa thuận
trong ba, bốn ngày đầu. Rồi một con sẽ bị cô lập và xua đuổi bởi các
thành viên còn lại cho đến chết.
Sau đó, những con còn lại sẽ xua đuổi một con khác trong bầy cho đến khi
nó cũng bị chết. Điều này sẽ tái diễn mãi cho đến khi chỉ còn lại một
con mà thôi. Tôi đã nghe phỏng đoán về việc ghép cặp giữa một cá thể to
với một cá thể nhỏ sẽ đem lại hiệu quả. Tôi chưa thử nhưng có thể có tác
dụng. Điều này đúng với rất nhiều loài cá ở rạn san hô (như cá thiên
thần, cá hề, cá gram-ma – basslet).
Tôi không rành mô tả về những đặc điểm giới tính phụ, nhưng có thể nhận
thấy ngay rằng cá thể to mọc sừng phía trên mắt và đấy là một đặc điểm
dùng để phân biệt
Z. cornutus với cá thể vốn trước đây được cho là loài khác, Z. canescens.
Chiều dài vây hậu môn cũng khác nhau, và có lẽ đó là dấu hiệu để phân
biệt cá đực với cá cái. Trong mọi trường hợp, cá non luôn có vây hậu môn
ngắn.
Cá nuôi chung
Lời khuyên chung cho bất kỳ ai có ý định nuôi cá thù lù là loài cá mảnh
mai này cần nuôi chung với loài hiền lành. Theo đánh giá ở trên của tôi
về tính khí của cá thù lù thì mọi người cũng đoán được rằng tôi không
đồng ý với lời khuyên này. Nhưng đúng là nên tránh bất kỳ loài nào có xu
hướng rỉa vây lưng hay ức hiếp cá thù lù.
Tuy nhiên, cá thù lù có khả năng tự vệ khá tốt. Hàm răng lởm chởm của nó
là công cụ xé vây hiệu quả. Cá thù lù dường như không quan tâm đến
những loài cá hiền lành chẳng hạn như cá bống, chromis, bầy cá sơn, đa
số cá diều (hawkfish) và ngược lại.
Bệnh tật
Vấn đề chính trong việc nuôi cá thù lù một cách lâu dài đó là khả năng
chống chọi kém với bệnh tật của nó. Về phương diện này, nó tương tự như
những loài họ hàng là cá gai đuôi thuộc chi Acanthurus. Cá thù lù rất nhạy cảm đối với một số bệnh ký sinh phổ biến như Cryptocaryon spp. và Amyloodinium
spp., và một khi ngã bệnh, thì nó có xu hướng đổ nặng và chết nhanh hơn
nhiều so với các loài cá biển khác. Cách tốt nhất là hãy cách ly và
điều trị các bệnh ký sinh phổ biến cho cá thù lù trong giai đoạn đầu.
Tôi tin rằng một trong những nguyên nhân mà những bệnh ký sinh phổ biến
ảnh hưởng mạnh đến cá thù lù đó là nó dường như không được cung cấp đủ
thức ăn trong môi trường nuôi dưỡng so với ngoài tự nhiên. Mọi loài cá
đều có một khẩu phần dinh dưỡng để kháng bệnh, và mặc dù cho cá thù lù
ăn không hề khó, nhưng việc cho chúng ăn đủ để duy trì sức khỏe lại là
một vấn đề khác.
Thức ăn
Mọi người thường nghe nói rằng cá thù lù kén ăn. Điều này có lẽ hoàn
toàn phụ thuộc vào điều kiện thể chất kết hợp với bề ngoài tương tự như
cá bướm và trên thực tế cá thù lù rất mảnh mai. Nhìn chung, cá thù lù ăn
đủ thứ và thường ăn cả thức ăn khô dạng tấm trong vòng vài giờ sau khi
được thả vào hồ. Dẫu một số cá thể ngoại lệ có thể bỏ ăn hoàn toàn và
chết đói, nhưng tôi không cho rằng cá thù lù kén ăn.
Ngoài tự nhiên, thực đơn của nó bao gồm bọt biển, tảo, hải tiêu, giáp
xác, giun, sò và những loài động vật thân mềm khác. Nó cũng ăn cả các
tua của san hô và hải quỳ, cá chết và trái cây rơi trên mặt biển. Tôi
thường tự hỏi xem cá thù lù có an toàn đối với “rạn san hô” hay không.
Bởi vì nó sống trên các rạn san hô, nên câu trả lời của tôi là “Dĩ
nhiên, nó an toàn!”.
Cá thù lù đôi khi ăn cả san hô, sò và tập đoàn hải quỳ vì vậy bạn cần
phải “bố trí” loại san hô mà chúng không ăn, hay chỉ dùng toàn đá tươi
(live rock). Chẳng hạn, cá thù lù dường như không phá hoại rạn san hô
bao gồm các loài Acropora spp., Seriatopora spp. và Pocillopora spp.
Khẩu phần thích hợp dành cho cá thù lù trong môi trường nuôi dưỡng là
thật nhiều những thứ mà nó ăn. Thông thường, nó ăn bất cứ thứ gì nhưng
mỗi cá thể đều có khẩu vị riêng. Khi nói “thật nhiều”, tôi ám chỉ rằng
cần cho cá ăn nhiều lần trong ngày. Việc cho ăn thường xuyên sẽ giảm đi
nếu cá được nuôi trong hồ lớn với nhiều tảo và những loài trong đó để nó
có thể ăn.
Một số loại thức ăn mà cá thù lù thường chấp nhận bao gồm: thức ăn tấm (tảo
Spirulina
đặc biệt tốt), thức ăn viên, rong biển tươi (sea weed), rong biển khô,
trùn đất, trùn đen (black worm), trùng đỏ (bloodworm), artemia, tép Mysis,
tôm băm, sò, mực băm, đậu và chuối đông lạnh. Điều quan trọng là phải
thêm nhiều thực vật vào thành phần dinh dưỡng của cá thù lù và rong biển
khô là lựa chọn tốt nhất cho mục đích này.
Chất lượng nước
Dẫu cá thù lù là cư dân phổ biến ở các rạn san hô giàu dinh dưỡng, nước
trong, nó cũng xuất hiện ở các cầu cảng ô nhiễm và yên tĩnh. Hiển
nhiên, nó chịu đựng được nhiều điều kiện nước khác nhau. Nồng độ ammonia
cao, khi vận chuyển, có lẽ làm cá bị tổn thương mang và gia tăng khả
năng nhiễm bệnh.
Tôi không thấy nó mẫn cảm đặc biệt đối với nồng độ nitrate, nhưng tốt
nhất nên duy trì nồng độ nitrate dưới 50 ppm như với nhiều loài cá rạn
san hô khác. Tỷ trọng cần được giữ ổn định trong tầm từ 1.018 đến 1.030.
Tôi chưa từng thử độ mặn thấp hơn với cá thù lù.
Hoàn toàn có thể nuôi cá thù lù trong điều kiện nước biển loãng (1.010 –
1.015, tạm thời) và nhờ vậy mà hạn chế khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên,
bạn nên nhớ rằng điều này chỉ thích hợp với hồ nuôi toàn cá. Cá đuôi gai
dường như nhạy cảm với nồng độ ô-xy thấp và điều đó cũng đúng đối với
cá thù lù. Sẽ có ích nếu sử dụng đèn đêm cho bộ lọc thùng có trồng tảo,
hay chí ít sử dụng bộ lọc váng để duy trì nồng độ ô-xy vào ban đêm.
Nguồn cung cấp cá
Đa phần cá thù lù trên thị trường cá cảnh đều được đánh bắt từ Hawaii.
Một số ít đến từ Philippines và Indonesia. Gần đây xuất hiện thêm một
nguồn khác nữa: dự án Ecocean ở Tahiti, nơi ấu trùng trôi dạt được thu
hoạch vào ban đêm bằng cách hấp dẫn chúng tụ tập đến các bẫy đèn nổi
trên mặt biển và đem nuôi trong hồ. Nguồn này sản xuất cá thù lù non
thích nghi với đời sống trong hồ cảnh và chấp nhận các loại thức ăn tổng
hợp.
Loài thay thế
Nếu bạn yêu thích cá thù lù nhưng không có khả năng chăm sóc chúng thì
có rất nhiều loài cá với hình thù tương tự mà ít ra bạn có thể tạm thay
thế. Những thành viên thuộc chi cá bướm Heniochus là một ví dụ.
Chúng có thân dẹp, mõm dài và vây lưng rất cao với phần chóp kéo dài như
sợi lông. Cá trưởng thành cũng mọc sừng trên mắt.
Thậm chí, nhiều loài có màu sắc hoàn toàn giống cá thù lù với các sọc đen, trắng và vàng.
Heniochus acuminatus trông giống đến nỗi có thể coi nó là bản sao của cá thù lù. Nó và những loài cá bướn Heniochus spp. khác rất mạnh khỏe nhưng lại ăn san hô, vì vậy chúng không an toàn với “rạn san hô” như cá thù lù.
Một ngoại lệ (lúc nào mà chẳng có) là
Heniochus diphreutes, loài
ăn phiêu sinh tầng giữa. Loài này không ăn san hô, dựa trên tập quán ăn
mồi, nhưng những cá thể ngoại lệ trong hồ cảnh vẫn rỉa san hô. Trong các
hồ toàn cá, Heniochus spp. rất dễ nuôi và chúng chấp nhận nhiều loại thức ăn khô và đông lạnh khác nhau.
Bạn có bị chết mê, chết mệt loài cá thù lù không? Nếu vậy thì tôi hy
vọng bài viết này sẽ giúp bạn lập kế hoạch về nhu cầu nuôi dưỡng đặc
biệt của nó. Nếu không chuẩn bị kỹ thì dẫu có nhìn thấy cá thù lù, bạn
cũng hề gặp may được lâu đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét